Dặm dài mưu sinh

Nhặt nhạnh từng vỏ lon bia, tấm bìa carton, đến từng mẩu phế liệu để bán ve chai là công việc gần như suốt ngày phải vọc rác, nhưng chính việc làm lầm lũi này đã giúp một phần đáng kể giảm gánh nặng rác thải ra môi trường và nhiều gia đình cũng đã nuôi con nên người từ cuộc mưu sinh thấm đẫm mồ hôi ấy.

Ngoài thời gian đi thu mua ve chai, chị Linh rất thích tham gia công tác từ thiện. Ảnh: Q.T
Ngoài thời gian đi thu mua ve chai, chị Linh rất thích tham gia công tác từ thiện. Ảnh: Q.T

Rác nuôi người

Mấy hôm nay trời Đà Nẵng trở lạnh, bà Đặng Thị Nga (65 tuổi, trú tạm đường Nguyễn Duy Hiệu, phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) bắt đầu công việc nhặt rác trễ hơn mọi ngày. Nói là trễ nhưng bà cũng ra đường lúc mặt trời chưa tỏ, sương dày đặc, người người đang cuộn mình trong chiếc chăn ấm. “Tôi đi một vòng hết con đường Nguyễn Văn Thoại thì mấy quán bán đồ ăn sáng mới lục tục dọn hàng. Lúc đó, tôi cũng ngồi nghỉ chân, ăn tạm gói xôi, cái bánh ram chi đó đặng lấy sức đi tiếp. Đến 9 giờ sáng là về nghỉ. Trưa lại tiếp tục đi”, bà Nga nói.

Bà Nga xuất thân từ xã Phú Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Hồi ở quê, bà bươn chải đủ nghề kiếm sống, từ làm nông đến giúp việc nhà, đi nuôi đẻ, chăm bệnh cho người ta. Ai kêu chi làm nấy, miễn kiếm được đồng tiền nuôi con ăn học. Hơn 1 năm nay, bà vô Đà Nẵng ở cùng đứa con trai thứ 5. Con trai bà mở tiệm cắt tóc nhỏ và vừa có con nên bà định vô giúp trông cháu chứ chưa nghĩ đến chuyện đi nhặt ve chai. Nhưng rồi bà “bén duyên” với nghề này bởi cái tính không bao giờ đi “tay không”. Hễ ra đường thấy tấm giấy, cái lon, cái chai là bà cúi xuống nhặt. Rồi bà nhận ra ở phố mọi người vứt rác ra đường nhiều quá, nên mỗi lần ra ngoài là bà lại lận theo cái bao nilon tiện… gom rác.

Có khi đi bộ một vòng ra chợ buổi sáng bà cũng nhặt được một bao đầy và phân loại luôn “tại nguồn”. Mới vài tháng mà người dân quanh các tuyến đường Lê Hữu Trác, Nguyễn Duy Hiệu, Nguyễn Văn Thoại, Thủ Khoa Huân… đã quen với sự có mặt của người phụ nữ hiền hậu, nói rặt giọng Huế. Nhiều người thấy bà sục sạo trong thùng rác bằng tay không nên về sau họ phân loại rác từ trong bếp, thấy bà đi ngang thì cho cả bao mang về. “Lần đầu tiên có cô kia cho tôi cả bịch chai, lọ, rồi nói: Bữa nay con để riêng sẵn những đồ nhựa, giấy tờ, xoong nồi không dùng nữa cho cô, vài ba ngày cô ghé tới lấy. Đừng lục chi trong thùng rác nhỡ có mảnh thủy tinh là chảy máu nghe cô. Tôi nghe mà cảm động kinh khủng”.

Mỗi ngày đi nhặt nhạnh như vậy, bà Nga kiếm được chừng 50.000 – 70.000 đồng. Bà bảo, tiền này chỉ sử dụng cho ăn uống một nửa, nửa kia để dành đến cuối năm về quê lo chuyện tộc họ, mồ mả. Chồng bà mất đã lâu, 7 đứa con cũng vì cha mẹ nghèo nên không được ăn học đến nơi đến chốn, giờ đứa nào cũng vất vả. Việc làng không thể bỏ được nên bà phải tiện tặn cho khéo. Mưu sinh bằng nghề không được tinh tươm nhưng ở người phụ nữ này luôn toát lên vẻ sạch sẽ, hóm hỉnh. Bà bảo, tính bà từ nhỏ đến giờ rất lạc quan. Dù bây giờ sắp vào tuổi 70 vẫn còn vất vả nhưng bà chưa bao giờ thôi hy vọng về tương lai, chưa bao giờ để mình luộm thuộm, xấu xí. “Cái tên của tui cũng là do tui tự đặt đó. Tui mê nghe nghệ sĩ Thanh Nga hát nên đặt theo tên bà ấy. Tên cũ ba mạ đặt cho là tên con vật, xấu rình”, bà Nga tủm tỉm kể.

So với bà Nga chỉ mới có thâm niên 1 năm làm nghề nhặt ve chai, bà Lùn (61 tuổi, trú phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) đã theo nghề gần như suốt cuộc đời mình. Bà Lùn có cái tên đẹp: Phạm Thị Hòa, nhưng dường như đã rất lâu, chẳng ai còn gọi bà với cái tên khai sinh ấy nữa. Bà Lùn chỉ cao tầm 1,3 mét, phương tiện mưu sinh gắn bó với bà là chiếc xe Chaly từ thời sau giải phóng. Chừng ấy năm, con người đôi lúc kiệt quệ vì mệt mỏi, thế nhưng “con ngựa sắt” ấy vẫn cần mẫn cùng bà mỗi ngày rong ruổi 30 – 40km đường. Bà Lùn buôn ve chai quanh khu vực biển Mỹ Khê, T20 hơn 40 năm nay. Hình ảnh người phụ nữ nhỏ bé đẩy cái xe chất hàng cao gấp đôi, gấp ba cơ thể mình đã trở nên quá thân quen với nơi này. Biết bao đứa trẻ đã chờ đợi tiếng rao của bà Lùn đi qua để bán chút vở cũ, giấy thừa.

Chị Huỳnh Phương (29 tuổi, trú đường Thủ Khoa Huân) kể, chị và những anh chị em họ, cả những bạn hàng xóm đều dồn vỏ lon, chai nhựa hay đôi dép nhựa đứt quai lại để chờ bà Lùn đi qua. Khi cuộc trao đổi mua-bán xong, bao giờ bà cũng cho lại tụi con nít 500 đồng – 1.000 đồng. Bà cũng không bao giờ cân “ăn gian”. “Có rất nhiều người bán ve chai đi qua xóm mỗi ngày nhưng chúng tôi luôn đợi bà Lùn bằng được. Đến bây giờ, tôi đã có chồng và 2 đứa con nhưng cứ gần Tết lại gọi điện cho bà đến mua ve chai trong nhà”, chị Phương nói.

Theo nghề từ hồi mười mấy tuổi đầu, từ khi giấy vở chỉ 200 đồng/ký đến nay 2.700 đồng/ký, bà Lùn nuôi 3 người con ăn học thành tài. Trong câu chuyện bán-mua của bà với những nhà quen, bao giờ cũng xen lẫn niềm tự hào về đứa con làm ngân hàng, đứa làm kế toán, thằng út đang học cấp 3. “Chừ con cái cũng lớn hết rồi, không cực như hồi xưa nhưng tui vẫn không bỏ nghề. Cái nghề nuôi sống gia đình, nuôi con ăn học. Ai chê thì chê chớ tui mang ơn lắm. Hồi nào không còn đủ sức khỏe thì tui mới nghỉ”, bà Lùn nói.

Vất vả cả cuộc đời nhưng bà Nga rất vui vẻ, lạc quan. Ảnh: Q.T
Vất vả cả cuộc đời nhưng bà Nga rất vui vẻ, lạc quan. Ảnh: Q.T

Xây dựng “thương hiệu” ve chai

Bà Lùn bảo, hiện tại bà không còn phải thức khuya, dậy sớm đi mua ve chai như trước mà mỗi ngày chỉ đi vài tiếng đồng hồ. Bà cũng không phải đi dạo quanh rao đến khản giọng như trước mà thường đến những địa chỉ cụ thể. Để có được những mối quen như thế, bà đã mấy mươi năm xây dựng “thương hiệu” ve chai Lùn. Bà Liên (chủ quán nhậu trên đường Lê Quang Đạo, quận Sơn Trà) chia sẻ, mỗi ngày, quán bán ra trên dưới 10 thùng bia, nước ngọt các loại nên phải thanh lý số vỏ lon trong ngày để tránh chật chỗ. Nhiều năm nay, bà đều gọi bà Lùn đến mua. Bà Lùn mua-bán rất thật thà nên giao hết cho bà ấy tự đếm, tự làm chi thì làm.

Trong danh bạ điện thoại bà Lùn lưu số của hàng trăm mối quen. Không chỉ số của các quán nhậu, nhà hàng, khách sạn mà cả số của nhà dân, sinh viên, học sinh… “Làm nghề gì cũng phải lấy chữ tín làm đầu. Không phải mình làm nghề mọn mà cho phép mình tùy tiện. Tui thiệt thà, chịu khó nên được nhiều người thương. Có người còn cho tui mượn khoảnh sân trước nhà để chứa đồ mà không lấy tiền”, bà Lùn nói.

“Mưu sinh với rác thì người lấm lem nhưng tâm phải sạch” cũng là “kim chỉ nam” trong làm nghề của chị Linh (52 tuổi, trú phường An Hải Tây, quận Sơn Trà). Chị Linh kể, chị có hai chục năm đi thu mua ve chai. Từ hồi còn nhỏ, mỗi ngày, chị và mấy chị em trong nhà cũng đi lượm ve chai trên tận Nam Ô để đổi sách vở đến trường nên tính ra, công chuyện ve chai này gắn bó với chị gần như cả đời. Chồng chị Linh bị đau thần kinh tọa, gai cột sống, sức khỏe yếu nên chỉ ở nhà. Hai đứa con ăn học và chuyện thuốc thang cho chồng đều một tay chị gồng gánh. Mới rồi, đứa con gái lấy chồng, giờ chị phải lo thêm cho cháu ngoại. Cũng may mấy năm gần đây, chị tạo dựng được nhiều mối quen nhờ không bao giờ đếm sai, cân thiếu dù chỉ 1 lon nước.

Nhờ vậy, chị đi buôn ve chai như người ta làm việc… hành chính: sáng làm đến trưa, trưa làm đến chiều, tối nghỉ. “Có nhiều nhà thấy tôi đi quen mặt trên tuyến đường đó nên họ để dành cho tôi mấy chai, lọ. Trước đây tôi lấy liền, mừng lắm, nhưng giờ tôi không lấy. Tôi nói với họ là nếu có ít ít thì cho công nhân vệ sinh môi trường. Còn tôi giờ chỉ bán-mua thôi. Hồi nào có nhiều đồ bỏ đi không dùng nữa, gần Tết chẳng hạn, thì gọi tôi tới thu mua. Thấy tôi thiệt thà vậy nên chủ nhà lấy số điện thoại, có nhiều mối thành thân quen luôn”, chị Linh nói.

Nhờ không phải chạy vạy sớm hôm, chị Linh có nhiều thời gian hơn dành cho bản thân, gia đình mà vẫn bảo đảm thu nhập. Mỗi ngày, chị đều dậy sớm ra biển tập thể dục và dọc đường đi chị không quên nhặt tất cả những thứ rác có thể tái chế được cho vào giỏ xe đạp. “Bệnh nghề nghiệp rồi”, chị cười nói. Chị còn đăng ký phụ nấu cơm, phát cháo trong một số nhóm từ thiện nhỏ. “Chừ mình đỡ khổ phải giúp người khổ hơn chớ”, chị Linh nói.

Thật trùng hợp khi cả ba nhân vật tôi gặp trong bài viết này đều sống dưới những cái tên khác vì những lý do nào đó, họ cũng thường xuyên xuất hiện trước khách hàng với khuôn mặt được che kín hàng lớp khẩu trang, nhưng có một điều rất rõ để nhận thấy, đó là chính công việc tưởng giản đơn và “bình thường” của họ đã giúp giảm thiểu gánh nặng rác thải cho môi trường sống và kinh tế của họ cũng tốt hơn phần nào nhờ rác.

Quỳnh Trang

Theo Đà Nẵng Online

 

Link nguồn: https://www.baodanang.vn/channel/5433/201912/huong-toi-thanh-pho-xanh-dam-dai-muu-sinh-3266279/

Cùng chuyên mục