Có một ngôi làng như rứa bên dòng sông Thu

Làng Đại Bình, Nông Sơn, Quảng Nam từ lâu nay được ca tụng như một ốc đảo cây trái Nam Bộ duy nhất giữa lòng miền Trung. Nhưng không chỉ có thế…

Theo lịch sử làng Đại Bình, làng được thành lập vào thời vua Thái Đức (từ năm 1778), trước đây làng có tên là Đại Bường, sau này đọc thành Đại Bình vì kỵ húy. Làng ở trên vùng đất cao, lưng tựa vào núi, mặt hướng ra dòng Thu Bồn ngay đoạn uốn cong như ôm ấp làng vào lòng.

Phong cảnh từ trước cổng làng Đại Bình nhìn ra dòng sông Thu Bồn.

Đại Bình tôi biết

Đại Bình là một trong những làng quê xứ Quảng được nhắc đến nhiều nhất trong các tác phẩm của những nhà thơ nổi tiếng của xứ Quảng như Bùi Giáng, Tường Linh, Trinh Đường, Khương Hữu Dụng, Thu Bồn…

Đây là lối chính vào làng. Đi đò ngang sông Thu, lội qua một bờ sông cát vàng, leo hết bậc tam cấp này là bạn đã vào làng.

Tôi biết Đại Bình trước hết là qua những câu thơ của nhà thơ xứ Quảng Tường Linh. Không biết đây có phải là bài thơ tiêu biểu nhất về ngôi làng trù phú này chưa, nhưng hầu như các câu chuyện, bài viết về làng Đại Bình đều trích đăng mấy câu thơ này.

Đại Bình quê ngoại đẹp như tranh

Qua bốn mùa tươi quả ngọt lành

Trước bãi lững lờ dòng nước biếc

Sau đồng hùng vĩ rặng non xanh.

Ấn tượng thứ hai chính là những câu chuyện bạn bè kể. Có những chuyện nghe cứ như trong truyền thuyết vậy.

Trước cổng làng là những hàng tre xanh râm mát phủ kín lối đi xuống bến sông.

Đại Bình nằm biệt lập cách trở với những ngôi làng khác, qua lại phải lụy đò hóa ra lại có cái hay. Trong chiến tranh, xứ nào miền Trung cũng hứng chịu bom đạn dày đặc, nhất là các vùng quê. Thậm chí nhiều ngôi làng bị bom đạn xóa sổ, nhưng đặc biệt với Đại Bình thì không. Bom đạn cày xới khắp nơi nhưng lại chừa cái làng nho nhỏ này ra. Cái làng như một ốc đảo xanh biệt lập ấy dường như kiêm luôn ốc đảo của sự thanh bình. Người làng kể, những năm chiến tranh ác liệt nhất, cũng chỉ có hai quả pháo rơi trúng làng nhưng may mắn không thiệt hại người, nhà cửa chi cả. Dân trong làng ra chiến trường đều trở về lành lặn. Trong làng cũng không thấy xảy ra chuyện đánh nhau, trộm cắp bao giờ. Hóa ra cái tên làng không chỉ là nỗi khát khao mà còn phản ánh đúng bản chất, sự may mắn và những gì người dân xứ này đang sở hữu.

Làng quê này còn lưu những lối vắng lá cũ phủ đầy, ngỡ như lâu rồi không có ai qua lại.

Đại Bình tôi thấy

Con sông Thu Bồn chảy qua đây đẹp quá. Đoạn sông uốn lượn cong cong ôm lấy cả ngôi làng, nhìn trên cao xuống cả làng trông như cái quạt nan ngày xưa, hoặc gần gũi, dễ hiểu hơn là như nửa cái bánh tráng. Giao thông tới làng chủ yếu bằng đường thủy qua phương tiện đò ngang, tạo nét rất riêng cho ngôi làng cổ miền Trung này từ sự biệt lập ấy. Đây cũng là cách để Đại Bình hạn chế, chọn lọc khách, tránh cho làng khỏi cảnh xô bồ như nhiều làng khác đang bị khách du lịch “xâm chiếm”. Ngay cả sau này khi có cầu Nông Sơn, thì làng vẫn giữ được cái không gian yên bình cố hữu trăm năm ấy.

Một lối vào ngôi nhà trong làng với tả hữu là những hàng chè tàu xanh ngắt làm bờ rào.
Một nếp nhà ở làng. Nhà ở đây chủ yếu là nhà cấp 4, nhưng sạch sẽ, tươm tất

Cây trái ở làng tốt tươi quá, nơi đây còn trồng khá nhiều loại trái cây ngon, nổi tiếng xứ Quảng là lòn bon. Không lạ khi sự sum suê tươi tốt của các vườn cây trái ở đây luôn là đề tài được nói đến mỗi khi giới thiệu về làng Đại Bình. Nếu bạn là dân miền Tây, sẽ thấy bình thường, nhưng nếu bạn là người miền Trung, bạn sẽ thấy điều này thật thú vị. Lâu nay dân miền Trung muốn ăn chôm chôm, sầu riêng, bơ, măng cụt… thường là do miền Nam chuyển ra, nên khi ăn những cây trái miền Nam ở ngôi làng cổ miền Trung là một cảm giác rất đáng nhớ. Những trái sầu riêng trồng xứ này cũng kiểu rất miền Trung, trái vừa vừa, nho nhỏ chứ không to như sầu riêng miền Tây Nam bộ.

Sầu riêng rụng và những trái quýt vườn.

Nhưng, chuyện cây trái của làng chỉ là một phần ấn tượng của tôi với ngôi làng hàng trăm năm này. Trong cơn lốc đô thị hóa, càn quét không thương tiếc qua nông thôn, làng quê ngày càng bê tông hóa, cây xanh ít dần đi thì bước giữa làng Đại Bình là tôi đang đi giữa không gian xanh tự nhiên đúng nghĩa. Tôi được hít thở mùi của đất, của hoa, của trái, của lá cây, của khói bếp, của mái tranh… Đây là một “đặc sản” khác của Đại Bình mà chỉ những cư dân phải sống trong các đô thị bê tông như tôi mới cảm nhận một cách rõ rệt.

Những cành bưởi trĩu quả là cảnh rất dễ gặp ở Đại Bình.

Trong không gian xanh ấy, tôi còn được an hưởng chuyện không bị tiếng động cơ làm phiền. Người làng vẫn có xe máy, khách đến làng vẫn dùng xe máy, nhưng không nhiều quá, không ồn quá. Đây là một sự cộng hưởng tuyệt vời làm bức tranh làng quê thêm tuyệt. Chiếc xe đạp ai đó dựng ở đầu làng, chắc là thói quen thường ngày thôi, nhưng như một thông điệp về nhịp sống hài hòa với thiên nhiên nơi đây.

Trong làng còn trồng những cây mít quê thuần chủng, điều hiếm giữa xứ sở ta tràn ngập mít giống ngoại.
Những cây ăn trái xứ khác du nhập vào làng đều sống tốt và sống lâu.
Cổng từ đường của một trong những dòng họ lớn của làng.

Đại Bình còn gây ấn tượng bởi nhà nào cũng có hàng rào và hầu như hàng rào nào cũng rất xanh, nghĩa là không có bê tông cốt thép kín cổng cao tường. Không tỉa xén đẹp đẽ có phần cầu kỳ như nhiều hàng rào xứ Huế, những hàng rào chủ yếu bằng bụi chè tàu, thỉnh thoảng có vướng dây tơ hồng quấn quýt trên ngọn, gợi không gian thanh bình gần gũi rất đặc trưng của làng quê xứ Quảng. Hèn chi, trong Ngày hội văn hóa – du lịch Đại Bình lần đầu tiên đang được tổ chức ở đây, có tiết mục ngồ ngộ là chấm thi hàng rào của người dân trong làng.

Khách tham quan đi giữa đường làng có những hàng rào xanh nối tiếp xanh.

Người ta cũng hay kể rằng dân làng này sống thọ lắm, các cụ ông cụ bà thượng thọ trên 80, 90 là chuyện thường tình. Tôi chuyển từ tò mò sang mặc nhiên đồng ý sau khi dạo một vòng tham quan làng. Sống giữa thiên nhiên tươi đẹp, hiền lành an nhiên như thế này, không thọ mới là lạ đó.

Đại Bình đang sở hữu một không gian xanh ngày càng hiếm có ở làng quê Việt.

Bạn có muốn ké một chút không gian sống tươi đẹp của Đại Bình không? Hãy ghé đi, cuối tuần rồi. Mùa trái cây đẹp nhất làng là từ tháng 6 đến hết tháng 8 đó.

Đại Bình đi thế nào

Giao thông đến làng Đại Bình khá thuận tiện, làng cách thành phố Đà Nẵng khoảng 60km, cách thành phố Tam Kỳ khoảng 70km. Từ thành phố Đà Nẵng, bạn đi quốc lộ 1A theo hướng nam, đến ngã ba Hương An, rẽ vào đường 611, qua đèo Le đến thị trấn Trung Phước, trung tâm huyện Nông Sơn, rồi đi đò là tới làng Đại Bình. Hoặc bạn có thể  đi tiếp 2km qua cầu Nông Sơn để vào làng.

Bài & ảnh: Sơn Trà

 

 

Cùng chuyên mục