Chuỗi giá trị nông nghiệp: Nút thắt ở chi phí logistics

Chi phí logistics quá cao khiến nông sản Việt giảm khả năng cạnh tranh đồng thời là rào cản lớn để có thể tạo lập được chuỗi khép kín từ nguồn nguyên liệu cho tới bàn ăn.

Nông nghiệp tạo việc làm và thu nhập cho khoảng 70% dân số, khoảng 15% GDP và 30% giá trị xuất khẩu, theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nông sản luôn nằm trong nhóm 10 ngành có giá trị xuất khẩu cao nhất – trong năm 2018, tổng xuất khẩu nông sản Việt Nam vượt 40 tỉ USD.

Tuy chiếm tỷ trọng cao trong toàn bức tranh xuất khẩu cả nước nhưng hạ tầng logistics chưa theo kịp khiến nông sản bất lợi. Chuỗi nông sản cần tích hợp được từ khâu sản xuất đến phân phối tận tay người dùng nhưng liên kết còn lỏng lẻo. Chưa kể bảo quản nông sản có tính đặc thù như chu kỳ sử dụng ngắn, tính thời vụ, phải bảo quản ở nhiều điều kiện nhiệt độ khác nhau….

Làm gì để cải thiện mạng lưới logistics nhằm nâng cao giá trị nông sản được các doanh nghiệp và chuyên gia bàn luận tại Diễn đàn Logistics Việt Nam do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức tại Đà Nẵng cuối tuần rồi.

Chi phí dành cho logistics của các mặt hàng nông sản tại Việt Nam hiện tại nằm trong khoảng 20-25%. Nguồn: Bộ NN&PTNN
Chi phí dành cho logistics của các mặt hàng nông sản tại Việt Nam hiện tại nằm trong khoảng 20-25%. Nguồn: Bộ NN&PTNN

Các “nút thắt” logistics phục vụ nông nghiệp đầu tiên ở khâu bảo quản nông sản. Theo báo cáo từ Bộ Công thương đầu năm 2019, rau quả là một trong 13 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Việt Nam. Xuất khẩu rau quả từ Việt Nam chiếm khoảng 1,4% tổng nhập khẩu rau quả của thế giới.

Nhưng theo Báo cáo Logistics Việt Nam 2019, phân khúc khách hàng mà các doanh nghiệp logistics phục vụ có tới 57% là các doanh nghiệp kinh doanh quả, thủy sản và nông sản chế biến với 52% và 47%. Các dịch vụ logistics phục vụ cho nhóm ngành nông sản và nông sản chế biến đang đóng vai trò quan trọng trong thương mại và xuất khẩu nhưng lại chưa được tận dụng đầy đủ và đầu tư đúng mức.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, cục trưởng cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, vấn đề nổi cộm nhất là chi phí. “Chi phí logistics trong chuỗi giá trị nông nghiệp hiện nay đang ở mức 20 – 25% tổng chi phí, là con số khá cao so với mức trung bình 10 – 15% toàn khu vực,” ông Toàn nhận xét.

Ông cũng chỉ ra, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản hiện nay phần lớn sử dụng điều kiện thương mại nhóm C, ví dụ chi phí vận tải quốc tế cho 1 kg thanh long vào Mỹ khoảng 3,5USD (bằng đường hàng không), chưa tính các chi phí chiếu xạ tùy loại trái cây và chi phí vận tải nội địa. Nếu bán cho nhà nhập khẩu từ Hoa Kỳ với giá 7 USD/kg thanh long thì riêng chi phí logistics vận tải quốc tế đã chiếm 50% tổng chi phí.

Một ví dụ khác đối với logistics vận tải nội địa là xuất khẩu các sản phẩm trái cây từ ĐBSCL. Do hàng không được xuất trực tiếp từ vùng nguyên liệu mà phải vận chuyển ra cảng Cái Mép để chuyển đi nên chi phí vận tải bị đội lên và rủi ro hư hỏng cũng tăng cao.

Cà phê cũng là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực và không tránh khỏi việc bị đội chi phí khi vận chuyển từ những vùng chuyên trồng cà phê như khu vực Tây Nguyên xuống cảng Cát Lái (TPHCM) để xuất khẩu. Tổng chi phí logistics vận tải nội địa năm 2018 của mặt hàng này lên tới 35 triệu USD, xấp xỉ 10% tổng giá trị xuất khẩu, theo Báo cáo Logistics Việt Nam 2019.

Hạ tầng logistics là một “nút” khác cần gỡ được nêu lên bởi đại diện Cục Xuất Nhập khẩu – Bộ Công thương. Ông Trần Thanh Hải – phó cục trưởng cho biết, hệ thống kho bãi, cơ sở chế biến hàng nông sản chưa được đầu tư đúng mức và thiếu trầm trọng chuỗi kho lạnh.

Chỉ khoảng 14% nhà sản xuất hiện tại có liên kết với chuỗi kho lạnh, đa số các doanh nghiệp logistics hiện xem chuỗi làm lạnh là một chi phí bị đội thêm chứ không phải giá trị gia tăng cho dịch vụ của mình“, ông Hải đưa ra số liệu từ Fiin Group.

Về kết nối hạ tầng, một ví dụ được điển hình là khu vực ĐBSCL – vùng nông nghiệp trọng điểm của cả nước, nhưng hạ tầng giao thông, hệ thống cảng bị phân tán và thiếu cảng biển khiến chi phí vận chuyển bị đội lên khoảng 7-10USD trên mỗi tấn nông sản.

Hệ thống sông kênh của khu vực tới 28.000km, có khoảng 23.000km có khả năng khai thác vận tải, chiếm tới 70% chiều dài đường sông cả nước. Tuy nhiên, nghịch lý ở chỗ tới 70% tổng lượng hàng nông sản xuất khẩu mỗi năm phải chuyển về TP.HCM hoặc cảng Cái Mép bằng đường bộ khiến giá thành sản phẩm bị đội lên.

Để giải quyết chi phí vận tải đắt đỏ, phải cải thiện cơ sở hạ tầng, tăng vận tải đường thủy và đường không cũng như khuyến nghị các doanh nghiệp logistics đầu tư vào hệ thống kho lạnh,” theo ông Hải.

Đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng khuyến nghị thành lập các trung tâm logistics nông sản thay vì các chợ đầu mối. Xây dựng trung tâm logistics nông sản tại từng vùng nông nghiệp trọng điểm sẽ “giảm bớt áp lực tại các khu đô thị lớn, tập trung được nguồn hàng và đảm bảo kiểm soát chất lượng.”, ông Toàn phân tích.

Linh Chi

Theo Forbes Vietnam

 

Link nguồn: https://forbesvietnam.com.vn/tin-cap-nhat/chuoi-gia-tri-nong-nghiep-nut-that-o-chi-phi-logistics-8305.html

Cùng chuyên mục