Cái thú đi giữa những bầy nai ở cố đô Nara, Nhật Bản

Công viên nai ở Nara thuộc thành phố Nara, cố đô của Nhật Bản (710 – 784), là một trong những điểm thu hút khách du lịch đến nhiều nhất. Có thể nói các hành trình tham quan Nhật Bản của người Việt, nhất định thế nào cũng viếng thăm Nara, đến với công viên của những bầy nai này.

Các du khách Việt đang bất ngờ vì sự “tấn công” rất bạo dạn của bầy nai.
Các du khách Việt đang bất ngờ vì sự “tấn công” rất bạo dạn của bầy nai.

Ấn tượng nhất của tôi khi đến thành phố Nara là được đi bộ băng qua công viên nai trên lối vào chùa Đông Đại Tự – Todaiji, nằm ở phía Đông thành phố Nara. Du khách thường gọi Nara Park này là công viên Nai. Công viên Nara có những ngôi chùa, đền thờ cổ nổi tiếng như đền Kasuga Taisha, Kofuku-ji, chùa Todai-ji, có hệ thực vật và một hệ sinh thái độc đáo, trong đó có nhiều cây cổ thụ khổng lồ. Và đặc biệt, ở đây có khoảng hơn 1.200 con nai, loại hươu sao sống tự do ở khắp nơi và sống như đã sống hàng trăm, ngàn năm nay như khi xưa kia Osaka hãy còn là những khu rừng rậm.

Thật khó để chụp được công viên lúc vắng người như thế này. Bởi nhiều năm nay, khách du lịch đổ về mỗi lúc một nhiều.
Thật khó để chụp được công viên lúc vắng người như thế này. Bởi nhiều năm nay, khách du lịch đổ về mỗi lúc một nhiều.

Vì chính là rừng rậm xưa kia nên bây giờ người ta mới được thưởng thức một khung cảnh đáng yêu và đôi khi bị làm phiền cũng một cách đáng yêu, ở công viên rất đặc biệt này.

Sự bạo dạn của một chú nai như thế này là chuyện thường ngày ở đây.
Sự bạo dạn của một chú nai như thế này là chuyện thường ngày ở đây.

Đây cũng là nơi duy nhất trên nước Nhật có biển báo giao thông trên đường có ký hiệu báo bạn đang đi qua khu vực của nai. Những con nai giương mắt… nai đứng nằm lười biếng đủng đỉnh dưới gốc cây, trên thảm cỏ, dưới hiên chùa, bên cạnh các cột đá cổ, trong công viên hay bên vệ đường hoặc ngay ngã tư đường. Điều đặc biệt là, vì sinh sống hàng bao thế kỷ cạnh con người, chúng không chỉ sống thoải mái như trong môi trường tự nhiên, không có bất kỳ chuồng trại nào nhốt chúng, mà còn tỏ ra rất dạn người.

Một chú nai đang hóng chờ khách đến, đồng nghĩa với việc sẽ xin ăn và, có lẽ, sẽ được cho ăn.
Một chú nai đang hóng chờ khách đến, đồng nghĩa với việc sẽ xin ăn và, có lẽ, sẽ được cho ăn.

Chúng đủng đỉnh đi qua đi lại trên mọi ngả đường, có khi chặn cả lối đi du khách khiến chiếc ô tô chạy ngang phải kiên nhẫn chờ chúng dời gót ngọc mà không dám bấm còi.

Biển báo giao thông độc đáo chỉ có ở thành phố Nara.
Biển báo giao thông độc đáo chỉ có ở thành phố Nara.

Chủ mấy hàng quán trên đường thì chẳng dám đánh khi muốn đuổi chúng, chỉ lấy tay hẩy vào mông chúng đi để có lối cho khách vào mua hàng, kèm theo những tiếng xùy xùy và cây chổi đập đập xuống mặt đường. Mấy chàng mấy ả thậm chí mấy cụ nai cũng bướng bỉnh lắm. Chúng cứ hay tụ tập gần mấy ông bà già bán bánh để đợi khách mua cho chúng và luôn tiếp cận du khách để vòi ăn y con nít đòi quà. Đừng tưởng chúng ngoan ngoãn khép nép đứng đợi bạn cho bánh đâu. Chúng sẽ dúi mũi vào bịch bánh đòi ăn cho được. Mà, đám nai này khôn lắm, chúng biết bịch bánh trông như thế nào nên cứ bám theo đòi riết từ trước mặt hoặc nhiều khi bất ngờ từ sau lưng làm không ít người giật mình rồi cười. Thậm chí, có bà mẹ cứ phải vừa đuổi vừa năn nỉ mấy chú nai đừng có dí mặt vào xe nôi của baby đang nằm mà tìm đồ ăn nữa. Nhiều khi chúng nằm, đứng lơ đễnh như thể không quan tâm đến chung quanh nhưng hễ thấy có người ở gần và tiến đến hàng bán bánh là chủ động vòi vĩnh ngay. Cộng thêm đôi mắt nai nhìn du khách rất chi là nai, trông tồi tội dễ gây xúc cảm cho các bà các cô và đám con nít, thế là ai cũng móc 200 yên (100 yên = 1 đô Mỹ) mua xấp bánh cho chúng. Bánh bán ở đây là Nara-senbei – món ăn ưa thích của nai.

Du khách luôn tranh thủ để ghi hình lại cùng bầy nai.
Du khách luôn tranh thủ để ghi hình lại cùng bầy nai.
Một chú nai, có vẻ đã no, không màng “thế sự” .
Một chú nai, có vẻ đã no, không màng “thế sự” .

Điều khác biệt duy nhất của bầy nai ở đây là chúng đều bị cắt sừng. Kể từ thời Edo (1603 – 1868), tháng 10 hàng năm, người ta sẽ tổ chức sự kiện “cắt sừng” để hạn chế việc những chú nai bước vào thời kỳ động dục, có thể gây nguy hiểm cho khách tham quan. Trong sự kiện này, các seko (người đóng vai trò giữ, không cho động vật hoang dã chạy thoát trong các buổi đi săn) xuất hiện trong trang phục cổ sẽ dùng cưa để cắt sừng chúng. Những chiếc sừng bị cắt xuống của hươu – tức sứ giả của các vị thần sẽ được dâng tế trước thần linh.

Nai ở đây được xem như là sứ giả của thần linh.
Nai ở đây được xem như là sứ giả của thần linh.
“Con nai vàng ngơ ngác, đạp trên lá vàng khô”. Câu thơ nổi tiếng của thi sĩ Lưu Trọng Lư có thể nhìn thấy nhiều lần ở nơi đây.
“Con nai vàng ngơ ngác, đạp trên lá vàng khô”. Câu thơ nổi tiếng của thi sĩ Lưu Trọng Lư có thể nhìn thấy nhiều lần ở nơi đây.
Những tấm bảng cảnh báo dành cho du khách khi vào công viên nai.
Những tấm bảng cảnh báo dành cho du khách khi vào công viên nai.
Đồ lưu niệm hình nai được bày bán rất nhiều ở công viên nai và thành phố Nara.
Đồ lưu niệm hình nai được bày bán rất nhiều ở công viên nai và thành phố Nara.

Ngày nay, chuyện cắt sừng không chỉ để tránh gây tổn thương cho du khách, nhất là du khách nhí, mà cũng là để bảo vệ chúng khỏi dùng sừng… đánh nhau mỗi khi giành chỗ thuận tiện tiếp cận khách để xin ăn. Nhưng không vì thế mà an toàn đâu nhé, bạn đừng bao giờ đứng sau lưng chúng. Có thể khi không vui, chúng bất thình lình đá bạn đấy. Ở đây người ta có hẳn những tấm bảng khuyến cáo cho du khách. Tôi không thấy phiền khi xem những tấm bảng này. “Sống chung” với nhau thì phải hiểu nhau chứ, phải không?

Nên khi đến Nara lần thứ hai, tôi vẫn tìm đến đây để lại tiếp tục được sống trong ấn tượng lần đầu tiên ấy. Một cách trọn vẹn.

Từ Osaka, Kyoto đến Nara, có 2 phương tiện di chuyển chủ yếu, đó là tàu cao tốc Kintetsu của đường sắt Kintetsu, hai là tàu điện của tuyến JR Nara. Cả hai đều xuất phát từ ga Osaka và ga Kyoto. Bạn nên chọn ga đến là ga Kintetsu Nara, nằm khá gần công viên. Ga Kintetsu Nara và ga JR Nara cách nhau khoảng 800m (đi bộ tầm 15 phút), nên bạn hãy lựa chọn tùy thuộc vào điểm đến.

Nhanh thì taxi là lựa chọn lý tưởng nhất. Từ Osaka và Kyoto đến nội thành thành phố Nara, thời gian đi khoảng 1 tiếng rưỡi và giá, hẳn nhiên là đắt: khoảng 13.000 yên.

Nếu đi nhiều nơi trong cố đô này, sẽ tiết kiệm hơn nếu bạn mua vé xe buýt tham quan các điểm du lịch thành phố Nara 1 ngày, trong đó có công viên Nara này, với giá 500 yên.

Bài & ảnh: L.M.Hạ

Theo 24hsongxanh.vn

Link nguồn: http://24hsongxanh.vn/cai-thu-di-giua-nhung-bay-nai-o-co-do-nara-nhat-ban/

Cùng chuyên mục