Cá tính Quảng – Chúng ta đi mang theo quê hương

Cá tính Quảng, cuốn sách do Mỹ Nguyễn – cô gái thế hệ 9X khởi xướng, chỉ trong vòng 100 ngày đã thành hình và ra mắt độc giả vào tháng 12/2018. Sau 6 tháng, cuốn sách tiếp tục tái bản vào tháng 7/2019.

Dễ hiểu thôi, người Quảng không chỉ độc đáo với hành trình lịch sử tạo lập vùng đất mới như dịch giả Nguyễn Tiến Văn đã dẫn: “Trong quan niệm về Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân của Nguyễn Bỉnh Khiêm ai quản cho được Quảng Nam mới là trọn vẹn”, mà còn mang những giá trị nhân văn cơ bản đặt nền móng cho sự phát triển.

Bìa sách Cá tính Quảng
Bìa sách Cá tính Quảng

Cãi là đặc tính mang tính triết lý sống của người Quảng

Trong 5 cá tính Quảng mà cuốn sách chọn làm chủ đề cho từng phần cùng những nhân vật tiêu biểu là: Cãi – Ngông – Hề – Chơi – Làm, thì “cãi” chính là cái mà hầu như ai nói tới xứ Quảng, cũng đều thốt lên: “Quảng Nam hay cãi”. Bởi trong khi “cãi”, trước nhất người ta học được sự tôn trọng, sự bình đẳng và dân chủ thì mới cãi cho ra ngô ra khoai được.

Chính “cãi” là một cách giúp cho chúng ta biết nghi ngờ, đặt lại vấn đề, tiến lên phía trước để phản bác lại cái cũ, làm tiền đề cho những cái mới. Chính nhờ “cãi” mà mọi chuyện được sáng tỏ.

Nhưng vì lẽ gì mà trong mấy tỉnh bắt đầu bằng từ “Quảng” thì xứ Quảng (Quảng Nam – Đà Nẵng) lại mang đặc tính này? Nhà văn Nguyên Ngọc, một người con của đất Quảng đã cho rằng: “Theo tôi, dân Quảng Nam hình thành từ nhóm dân cư phía Bắc đi vào trong giai đoạn xã hội phong kiến đã suy tàn và thoái hóa, họ đi tìm vùng đất mới để tạo nên cuộc sống mới  để mong có được sự thay đổi hòng ngược lại hoàn toàn với sự thoái hóa ngoài kia. Khi vô tới, người Việt chuyển đổi lấy thương nghiệp làm chính. Nhà sử học Tạ Chí Đại Trường đã từng phát hiện: từ đèo Ngang đến Hải Vân họ mất 600 năm để hình thành nhưng từ Hải Vân đến Cà Mau chỉ mất 200 năm để nhân đôi diện tích đất nước. Đây được xem là một động lực lịch sử rất mạnh mẽ và độc đáo vô cùng. Xứ Đàng Trong năm 1621 của Cristophoro Borri cho rằng Nguyễn Hoàng đã đi tìm đến vùng đất mà ở đó người ta không coi sự phản bội lại cái lạc hậu là quan trọng, mà thậm chí cần phải “phản” lại những cái lạc hậu đó để cái mới nảy sinh và phát triển”.

Minh họa chương Cãi
Minh họa chương Cãi

Những cái Ngông – Hề – Chơi – Làm của dân Quảng

Cuốn sách gồm 23 nhân vật, rất “dân chủ” trẻ già có đủ. Rất bình đẳng: người có danh tiếng lẫn người bình thường nhất… tất cả đều đại diện cho dân Quảng thành công ở… tứ xứ bốn phương trời và hiếm hoi có được vài ba nhân vật nổi danh ở ngay trên quê hương của mình. Nhưng điều đó chẳng lạ. Người Việt Nam bây giờ vốn từng tụ từ ba cõi: miền Bắc Giao Chỉ xưa, miền Trung Lâm Ấp cũ và miền Nam Phù Nam cổ… vậy thì ngay trên đất nước sáp nhập các vùng đất ở các tộc người khác nhau này, việc đi khắp chốn cũng “Đi về đi ở đi đi/ Đi là đi biệt từ khi đi về”. Tôi không ngạc nhiên khi nghệ sĩ Hoài Linh nhắc đến câu  này của Bùi Giáng, như một tiên tri vọng về quá khứ mà nói chuyện tương lai người Việt. Những người con xứ Quảng mỗi người đều mang “đại diện” cho Cá tính Quảng. Mỹ Tâm, Lê Cát Trọng Lý đầy cá tính, Hoài Linh, Ánh Tuyết chân chất mà chọc cười, Ý Nhi, Trần Anh Hùng trầm tĩnh, Cung Tích Biền mê chữ, Phan Vũ say thơ, Bùi Văn Nam Sơn hiếu học, cụ bà Nguyễn Thị Được gần trăm tuổi với gốm, cụ ông Nguyễn Đường lặng lẽ với gánh nước giếng Bá Lễ cả đời nuôi mình, nuôi con và nuôi cả giấc mơ một ngôi nhà ấm… các chân dung không màu mè mà chỉ có một màu chân chất. Ngay nhân vật đầu tiên của cuốn sách là họa sĩ Lê Kinh Tài vẽ rất “kinh” mà thật ra lại rất “lành” – thứ cãi có sẵn ở bên trong, xung đột mà cuối cùng cho ra sự hài hòa làm một.

Sách là một lát cắt nhỏ về con người xứ Quảng
Sách là một lát cắt nhỏ về con người xứ Quảng

Những sắc màu khác của cuốn sách là người trẻ, đã được lựa chọn một cách trân trọng mà ngẫu nhiên, họ toàn là phụ nữ. Nhưng Cá tính Quảng thì không lẫn vào đâu được: quyết liệt và độc đáo. Như Thanh Phúc, vận động viên điền kinh đầu tiên của Việt Nam chọn môn đi bộ chưa ai từng có mà sau này em trai của cô Thành Ngưng cũng theo chị… đi bộ. Giờ họ trở thành hai chị em nổi tiếng trong làng điền kinh rinh biết bao là “vàng” cho thể thao Việt Nam. Hay Trịnh Thị Huyền Trang, một cô gái ở trọ nhưng xây trường dạy học miễn phí cho trẻ em nông thôn nghèo khó trên quê hương Cẩm Xuyên. “Ai bảo Trang điên, Trang mặc! Trang tin dù thôn quê hay thành thị, dù giàu sang hay nghèo khổ thì mọi trẻ em đều cần  được đối xử ngang bằng nhau”.

Đó, cãi xong rồi đâu phải để đó, cãi xong là làm mà việc nào cũng ra trò. Bởi “cãi” nhau cỡ nào thì cũng chốt lại rằng: “Nói cho lắm cũng nước mắm với dưa/ Nói vừa vừa cũng dưa với mắm” mà thôi, về với quê nhà.

Ngân Hà

Cùng chuyên mục