Từ năm 2010, mỗi tuần 2 – 3 lần, người đàn ông gốc Hội An (tỉnh Quảng Nam) lại lang thang trên những cung đường quanh co trên bán đảo Sơn Trà để… gom rác. Chẳng lần nào về tay không, ít thì 10 kg, nhiều đến hơn 30 kg, anh Đào Đặng Công Trung nhặt không sót thứ gì, từ vỏ chai, túi ni-lông đến quần, áo, mũ nón bị khách tham quan bỏ lại.

Có lần vì ham rác, tôi gặp phải cả ổ rắn lục nấp trong lùm cây. Cũng có lúc vừa nhặt xong thì trời bỗng dưng nổi mây đen giăng kín cả lối đi. Nhưng với tôi, Sơn Trà như là nhà, mọi ngóc ngách đều quen thuộc nên không có chút sợ hãi nào” – anh Trung nói.

Không chỉ lên rừng, Trung còn xuống biển để nhặt rác. Tuần nào anh cũng dành 1 giờ để lặn biển vớt rác. Anh cho biết nhìn mặt biển phẳng lặng là thế nhưng ở sâu 5 – 7 m dưới đáy biển, khu vực của những rạn san hô, là một thế giới hoàn toàn khác. Nơi đó đầy vỏ bia, chai nước ngọt.

Anh Đào Đặng Công Trung đã 10 năm lặn biển để nhặt rác vì tình yêu với bán đảo Sơn Trà. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Anh Đào Đặng Công Trung đã 10 năm lặn biển để nhặt rác vì tình yêu với bán đảo Sơn Trà. Ảnh do nhân vật cung cấp

Anh Trung kể có nhiều chai, lọ án ngữ lối sinh trưởng của san hô, thậm chí nhiều sinh vật biển vì rác thải nhựa mà tuyệt diệt. Nhiều lần, anh nhặt được những chai nhựa được sản xuất cách đây 20 năm dưới đáy biển Sơn Trà.

Hồi cuối tháng 9, anh Trung cùng nhóm bạn trẻ lặn biển với độ sâu từ 3 – 10 m ở biển Sơn Trà và vớt lên hơn 10 kg rác, chủ yếu là vỏ lon bia, nước ngọt, chai nhựa, thủy tinh, túi ni-lông.

Tham gia nhóm nhặt rác đã lâu, em Nguyễn Hải Đăng (SN 2002) cho biết với em, công việc này để bảo vệ môi trường. Mỗi chai nhựa được nhặt lên từ mặt nước là thêm một cơ hội sống cho sinh vật biển tại bán đảo Sơn Trà.

Không chỉ có Đăng, ngày càng nhiều nhóm bạn trẻ, nhóm bơi lặn chuyên nghiệp cũng tham gia lặn biển nhặt rác, thu gom vỏ chai, vỏ lon, hộp xốp như cách anh Trung đã tiên phong. Bà Dương Thị Xuân Liễu, Trưởng Phòng Quản lý và Khai thác du lịch Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, đánh giá: “Anh Trung là một tấm gương tiêu biểu để nhân rộng thêm những hình ảnh đẹp về việc cộng đồng cùng chung tay với các cơ quan quản lý nhà nước để bảo vệ môi trường sinh thái“.

Tuy nhiên, Đào Đặng Công Trung dường như không quan tâm với sự tung hô. Anh thổ lộ: “Ai xin nhặt rác cùng, tôi đều hoan nghênh. Tuy nhiên, dù có người đến rồi đi, nhặt nhiều hay ít, tôi vẫn chuyên tâm công việc của mình với ý niệm “Cứ hành động rồi sẽ lan tỏa”. Việc làm của mình là để dành cho con cháu mai sau“.

Bài & ảnh: Quang Luật

Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)